Thị trấn Vạn Giã nằm ở phía tây vịnh Vân Phong, có trục đường bộ và đường sắt xuyên Việt đi qua, đang trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa phát triển năng động của huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Với lịch sử hình thành và phát triển trên 350 năm, lớp lớp ông cha tiền hiền, hậu hiền đã đổ bao mồ hôi, xương máu mở đất, lập làng, bảo vệ và xây dựng quê hương thị trấn Vạn Giã càng khang trang, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của huyện Quảng Phước xưa và Vạn Ninh ngày nay. Đặc biệt hơn tám lăm mươi năm (1930-2018) đấu tranh cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Vạn Giã đã vùng lên, đập tan xiềng xích nô lệ, giải phóng quê hương, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương giàu đẹp.
Thị trấn Vạn Giã là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, nằm ở phía Tây vịnh Vân Phong, có ranh giới phía Bắc giáp xã Vạn Thắng, phía Nam giáp xã Vạn Lương, phía Tây giáp xã Vạn Phú. Theo sách Xứ Trầm Hương của Quách Tấn thì Vạn Giã là địa danh chỉ vùng đất do tên hai cửa biển của vịnh Vân Phong ghép lại mà thành. Cửa Vạn ở phía Đông Nam vịnh Vân Phong, tại Đầm Môn, dưới chân bán đảo Bàn Sơn. Cửa Giã nằm trong đất liền thuộc Vạn Giã ngày nay (kéo dài từ bờ biển xã Vạn Lương đến giáp xã Vạn Thắng), nước sông Hiền Lương, Chà Là chảy ra cửa này. Theo cách hiểu thông thường thì Vạn Giã là làng của những người làm nghề chài lưới, đánh bắt tôm cá dọc theo vịnh biển, cửa sông. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng chép: “Quán Vạn Giã ở huyện Quảng Phước, dân cư trù mật, làm nghề đánh cá”. Nhiều địa danh như ga Giã, chợ Giã, cửa Giã, trạm Giã, v.v… vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Tên gọi và địa giới hành chính của vùng đất này cũng có những thay đổi theo từng thời kỳ lịch sử.
Vào năm 1653, quân Chiêm Thành đánh chiếm vùng đất Phú Yên của Đại Việt. Chúa Nguyễn Phúc Tần sai cai cơ Hùng Lộc đem 3000 quân sang đánh. Do đại bại nên vua nước Chiêm Thành là Bà Tấm (có tài liệu gọi là Bà Thấm) buộc phải cắt vùng đất từ Đèo Cả vào đến sông Phan Rang cho Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn lập thành dinh Thái Khang, từ đó, công cuộc di dân khai hoang, lập làng của người Việt ở vùng đất này mới thực sự bắt đầu. Trước đây, trên vùng đất này có các làng Phước Toàn, Phước Toàn Thượng ấp ở Tây Bắc; Hoà Vinh, Phước Vinh, Phụ Phước Vinh ở phía Tây; làng Mạn Đò ở phía Đông Bắc và làng Phường Mới ở phía Tây Nam thuộc tổng Hạ, huyện Quảng Phước, phủ Ninh Hòa. Nhìn chung các làng bấy giờ chỉ có diện tích khoảng mấy chục mẫu và dân số còn ít, cư trú tương đối tập trung thành từng cụm theo dòng họ, hay gồm những người di cư cùng địa phương. Diện tích tự nhiên của làng Phước Toàn là 44 mẫu, Phước Toàn Thượng 22,4 mẫu, Hòa Vinh 30 mẫu, Phước Vinh 22,5 mẫu, Phụ Phước Vinh 10 mẫu, Phường Mới 45 mẫu và Mạn đò 42,5 mẫu . Sau này, các làng trên được ghép lại thành làng Tân Hội và Mỹ Chữ.
Thời kỳ nhà Nguyễn và Pháp thuộc, làng Tân Hội và Mỹ Chữ nhập lại thành làng Tân Mỹ (Vạn Giã) thuộc tổng Phước Tường Nội (trước đây là tổng Hạ), phủ Ninh Hòa. Làng Tân Mỹ nằm ở phía Đông đường Thuộc địa (này là Quốc lộ 1), từ sông Chà Là đến sông Bà Bường và tồn tại cho đến ngày giải phóng. Năm 1931, Chính quyền thực dân Pháp thành lập huyện Vạn Ninh, trụ sở huyện đường Vạn Ninh đóng tại làng Quảng Hội (xã Vạn Thắng ngày nay) ở tổng Phước Tường Nội. Vào thời gian này, tuyến đường sắt và tuyến đường bộ Bắc – Nam đi qua địa bàn thị trấn được xây dựng và hoàn thành, thuận lợi cho giao thông, buôn bán. Hai bên Quốc lộ 1 ngày càng phát triển, các trụ sở của chính quyền và các cơ quan được xây dựng như ga Giã, trạm Giã, sân bay dã chiến, các tiệm ăn, cửa hàng buôn bán của dân được xây dựng ngày càng nhiều. Vì vậy, vùng đất Vạn Giã trở thành trung tâm giao thương kinh tế của huyện Vạn Ninh. Từ đấy, các khu dân cư, phố xá dần dần được hình thành và ngày càng phát triển, người dân trong huyện thường gọi là khu phố Vạn Giã.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đầu năm 1946, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) quy định lấy xã làm đơn vị hành chính cấp thứ tư, bỏ Tổng là cấp trung gian. Trên cơ sở đó, toàn huyện Vạn Ninh được lập thành 8 xã mới. Tổng Phước Tường Nội được chia thành 3 xã là: Đồng Xuân, Đồng Tiến, Đồng Hòa. Bấy giờ, các làng của thị trấn Vạn Giã thuộc xã Đồng Tiến huyện Vạn Ninh.
Đầu năm 1951, đáp ứng yêu cầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, toàn huyện Vạn Ninh từ 8 xã lại được nhập lại thành 3 xã lớn, tương đương với 3 tổng trước đây. Lúc này địa bàn thị trấn cùng với một số xã ở thuộc tổng Phước Tường Nội cũ lập thành xã Ninh Tường, sau thời gian ngắn (tháng 3/1953) xã Ninh Tường lại tách ra thành các xã như trước; địa bàn thị trấn lại thuộc xã Đồng Tiến cho đến năm 1954.
Về phía địch, khi thực dân Pháp tiến hành xâm lược lần thứ hai, làng Tân Mỹ và Phú Cang thuộc vùng địch tạm chiếm. Chúng đổi tên huyện Vạn Ninh thành quận Vạn Ninh, tên làng, xã vẫn gọi như trước đây. Trung tâm quận lỵ Vạn Ninh chuyển về làng Tân Mỹ và phần đất phía đông đường sắt của làng Phú Cang (dọc hai bên Quốc lộ 1). Trụ sở quận đường, đồn bốt, bưu điện, nha cảnh sát, v.v… đều đóng tại đây.
Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), Chính quyền Việt Nam cộng hòa tiến hành cải cách bộ máy hành chính cơ sở, dưới quận là xã, dưới xã là ấp (thôn). Toàn huyện Vạn Ninh chia thành 9 xã có tên gọi chữ đầu là Vạn. Theo đó, xã Vạn Thạnh có 5 thôn: Tân Mỹ (Vạn Giã), Đầm Môn, Khải Lương, Ninh Đảo và Điệp Sơn, diện tích 12.200 ha. Xã Vạn Phú có 2 thôn: Phú Cang và Vinh Huề. Các trụ sở cơ quan hành chính, quân sự của quận Vạn Ninh đều đóng ở hai bên Quốc lộ 1. Trụ sở của xã Vạn Thạnh đóng tại ấp Tân Mỹ (nay là trụ sở Ủy ban nhân dân thị trấn). Trụ sở của xã Vạn Phú cũng đóng trên phần đất phía đông đường sắt của ấp Phú Cang (nay là trụ sở đội quản lý thị trường số 4 Vạn Ninh trên đường Lê Đại Hành vào ga Giã).
Về phía Chính quyền cách mạng, để chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, Huyện ủy Vạn Ninh chia địa bàn huyện thành 3 vùng hoạt động. Vùng quận lỵ Vạn Ninh thuộc sự chỉ đạo của đội công tác Vạn Phú-Vạn Thạnh.
Sau ngày giải phóng 30 tháng 4 năm 1975, đất nước thống nhất, Chính quyền cách mạng cải cách bộ máy hành chính, sáp nhập các tỉnh, các huyện với quy mô lớn, thực hiện hệ thống chính quyền 4 cấp. Ở địa phương gồm tỉnh, huyện và xã. Dưới xã là thôn nhưng thôn không được coi là cấp hành chính. Vùng đất thị trấn Vạn Giã thuộc thôn Tân Mỹ, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, đến tháng 2 năm 1976 thuộc huyện Khánh Ninh, tỉnh Phú Khánh. Ngày 23 tháng 10 năm 1978, theo Quyết định số 268 - CP của Hội đồng Chính phủ, thành lập thị trấn Vạn Giã thuộc huyện Khánh Ninh tỉnh Phú Khánh. Địa bàn thị trấn gồm thôn Tân Mỹ và phần đất phía Đông đường sắt (thôn Phú Cang, xã Vạn Phú), có ranh giới phía Bắc giáp từ ngã đường sắt, Quốc lộ 1 đến sông Chà Là chảy ra biển; phía Nam giáp sông có cầu Bà Bường chảy ra biển; phía Tây giáp đường sắt Bắc-Nam; phía Đông giáp biển. Từ đây, thị trấn Vạn Giã chính thức trở thành một đơn vị hành chính cơ sở trong hệ thống các cơ quan hành chính ở nước ta . Quyết định số 85 – CP, ngày 5 tháng 3 năm 1979, huyện Vạn Ninh được tái thành lập, thị trấn Vạn Giã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Vạn Ninh, tỉnh Phú Khánh. Trụ sở các cơ quan của huyện Vạn Ninh đều đóng trên địa bàn thị trấn Vạn Giã.
Sau đó, thị trấn Vạn Giã có sự điều chỉnh địa giới cho phù hợp với sự phát triển của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngày 11 tháng 8 năm 2000, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 32/2000/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính các xã Vạn Lương và thị trấn Vạn Giã, sát nhập thôn Lương Hải của xã Vạn Lương vào thị trấn Vạn Giã. Hiện nay, diện tích tự nhiên của thị trấn gần 285,47 ha, được chia thành 15 tổ dân phố, đặt tên theo thứ tự từ 1 đến 15 Thị trấn Vạn Giã là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, nằm ở phía Tây vịnh Vân Phong, có ranh giới phía Bắc giáp xã Vạn Thắng, phía Nam giáp xã Vạn Lương, phía Tây giáp xã Vạn Phú. Đến thời gian này, tuyến đường sắt và tuyến đường bộ Bắc – Nam đi qua địa bàn thị trấn được xây dựng, mở rộng và hoàn thành, thuận lợi cho giao thông, kinh doanh, buôn bán. Nhiều tuyến đường được đầu tư mở rộng, chỉnh trang đô thị như đường Trần Hưng Đạo ( dọc biển), Lê Hồng Phong, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Bà Triệu, Ngô Quyền… các khu vui chơi giải trí cũng được đầu tư như: Công viên 1/4, Hoa Viên TDP 8 và dự án Kè Bờ Biển Vạn Giã và các nhà hàng, khách sạn đồng thời trụ sở của chính quyền và các cơ quan được xây dựng như Trung tâm Hành chính huyện, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng, Trung tâm thương mại, Siêu thị điện máy các tiệm ăn, cửa hàng buôn bán của dân được xây dựng ngày càng nhiều. Vì vậy, vùng đất Vạn Giã trở thành trung tâm giao thương kinh tế của huyện Vạn Ninh. Từ đấy, các khu dân cư, phố xá dần dần được chỉnh trang hình thành ngày càng phát triển xứng tầm là Đô thị loại 4, người dân trong huyện thường gọi là khu phố Vạn Giã.