ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ MÔI TRƯỜNG
ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
Thị trấn Vạn Giã nằm giữa hai con sông Chà Là ở phía Bắc và sông Hiền Lương ở phía Nam chảy ra Biển. Sông Hiền Lương (còn gọi là sông Hầu) chảy vòng ở phía Tây Nam thị trấn khoảng 2 km, chia ra làm nhiều nhánh như sông Bà Bường, sông Giữa, sông Hiền Lương, đều đổ ra cửa Giã. Sông Hiền Lương làm ranh giới giữa thị trấn với xã Vạn Lương. Trước đây, có nhiều dải đất cát bồi nổi lên ở hạ lưu, chia sông Hiền Lương thành nhiều dòng chảy: một dòng (chính) ở hữu ngạn giáp với xã Vạn Lương. Một dòng (sông Bà Bường) ở tả ngạn, một nhánh giữa thuộc địa phận thị trấn. Ở vùng hạ lưu giáp giáp biển, cửa sông rộng tới 300 mét, sâu từ 5 đến 7 mét khi nước thủy triều lên, thuyền bè có thể ra vào trú ngụ dễ dàng. Cửa sông là nơi thuyền bè thường neo đậu, bốc xếp và vận chuyển hàng hóa, thủy hải sản.
Vạn Giã nằm trong vùng khí hậu đồng bằng ven biển, mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, ảnh hưởng của khí hậu đại dương nên tương đối ôn hoà. Nhiệt độ trung bình là 250c, lượng mưa bình quân là 1399mm. Điều kiện khí hậu tương đối thuận lợi, quanh năm có ánh nắng mặt trời, nhưng do giáp biển nên thời tiết tương đối mát mẻ. Địa bàn ít chịu ảnh hưởng của mưa bão lớn, do được che chắn bởi bán đảo Đầm Môn nhưng khi mưa lớn dài ngày, nước từ nguồn sông suối đổ về kết hợp triều cường dâng ngập, xảy ra chia cắt giữa các vùng ven cửa sông, cửa biển. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, điều kiện tự nhiên của Vạn Giã vẫn chứa đựng nhiều yếu tố khó khăn thử thách đối với nghị lực con người. Thuộc vùng “đầu sóng ngọn gió”, “đất bạc, cát bỏng” việc chế ngự thiên nhiên là một đòi hỏi vô cùng to lớn. Đồng thời là vùng đệm của sông và biển, có nơi, có lúc “chưa nắng đã hạn”. Điều đó gây không ít trở ngại cho sinh hoạt và sản xuất.
Ngày nay, địa bàn thị trấn được quy hoạch, xây dựng với những dãy phố xá, nhà cửa san sát khang trang, các khu dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp hiện đại. Từ Quốc lộ 1 theo những con đường nhựa, đi xuống biển, du khách sẽ được phóng tầm mắt nhìn sóng nước vùng vịnh Vân Phong, gợi lên cảnh trí thiên nhiên bao la, hùng vĩ và thơ mộng. Điều kiện địa lý tự nhiên như vậy, trong quá trình lịch sử, thị trấn đã tạo thành vùng đất mở với môi trường thoáng đãng, phát triển nhiều mặt của đời sống. Thiên nhiên đem lại cho con người thể chất mạnh khỏe, trí lực dồi dào và tâm hồn phong phú. Cũng phải thấy rằng bộ mặt thị trấn ngày nay không phải chỉ do thiên nhiên tạo ra, phần lớn cảnh quan và phố xá sầm uất, trù mật đều mang dấu ấn bàn tay con người ròng rã hết thế hệ này đến thế hệ khác trong việc chế ngự thiên nhiên, đầu tư công sức làm cho quê hương ngày càng giàu đẹp và rất đỗi tự hào.
Đặc điểm địa hình và tự nhiên thuận lợi cho giao thông về đường bộ, đường sắt và đường biển. Trục đường Quốc lộ 1 qua địa bàn thị trấn Vạn Giã gần 3 km. Khoảng cách từ thị trấn Vạn Giã đến trung tâm Thành Phố Nha Trang là 60km, Sài Gòn là 510 km và Hà Nội khoảng 1240 km. Quốc lộ 1 là con đường chính từ Bắc vào Nam, trước đây gọi là đường Thiên lý đi qua Tu Bông, cầu Huyện sang Tân Mỹ (nay là Hương lộ 61), tại Tân Mỹ có trạm Giã làm nơi tiếp nhận, chuyển giao công văn, nơi nghỉ cho người và ngựa đi đường (đối diện với Bưu điện ngày nay). Sau này, thực dân Pháp xây dựng đường mới về phía Tây, mở rộng và rải nhựa gọi là đường Thuộc địa (nay là Quốc lộ 1), có bến xe ở phía Bắc, thuận lợi cho xe cộ đi lại, lưu thông và vận chuyển hàng hóa. Ngoài Quốc lộ 1, ngày nay, trên địa bàn thị trấn Vạn Giã được sự đầu tư của nhà nước, sự đóng góp của nhân dân đã xây dựng, nhựa hóa các trục đường chính như Nguyễn Huệ, Hùng Vương, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Trần Phú, Lê Đại hành,, Lý Thường Kiệt, Ngô Quyền, Bà Triệu, Hải Thượng Lãn Ông v.v… và các hẽm trong nội thị được Bê tông hóa. Hệ thống đường thông, hè thoáng đáp ứng yêu cầu đi lại của nhân dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, văn hóa và xã hội. Từ thị trấn có đường liên xã qua cầu Huyện đi sang xã Vạn Thắng, đường đi sang xã Vạn Phú và Vạn Lương, v.v... Trên địa bàn thị trấn Vạn Giã có đường sắt Bắc-Nam đi qua, có ga Vạn Giã để dừng các tàu địa phương, tàu chậm; là nơi đưa đón khách và bốc giở hàng hóa. Ngoài ra, Vạn Giã còn có các bến, cảng nhỏ để các tàu thuyền vận chuyển bằng đường biển đi ra các đảo và các vùng lân cận như Đầm Môn, Ninh Đảo, Điệp Sơn, v.v…