Trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán quan điểm, chủ trương trong việc phát triển kinh tế gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện chủ trương này, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều giải pháp, một trong những giải pháp quan trọng và có ý nghĩa thiết thực đó là tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.
Đây là kênh tín dụng ưu đãi lớn nhất, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần to lớn đối với công cuộc giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội của nước ta. Hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội từ nguồn vốn ưu đãi đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn. Phương thức uỷ thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, cũng như nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Chỉ thị số 40 ra đời, đã đánh dấu sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội nhằm đạt mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là tập trung các nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Trong những năm qua, các cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Các cấp uỷ, chính quyền đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, là hoạt động thường xuyên, cần tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
Các tổ chức chính trị - xã hội thị trấn Vạn Giã đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; trực tiếp tham gia cùng hội viên, đoàn viên trong quá trình thực hiện, tạo điều kiện cho các đối tượng được vay vốn kịp thời, đúng đối tượng.
Hội Nông dân thị trấn Vạn Giã luôn quan tâm, ưu tiên dành nguồn vốn ngân sách uỷ thác qua NHCSXH để thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại địa phương, với số dư nguồn vốn uỷ thác địa phương đạt 21 tỷ đồng, tăng 1 tỷ đồng so với năm 2024. Chất lượng tín dụng chính sách xã hội duy trì ổn định, tỷ lệ nợ quá hạn ở mức thấp. Năm 2025 nợ quá hạn là 0,28% trên tổng dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đầu tư đến 12 Tổ dân phố trên địa bàn thị trấn Vạn Giã, đã thật sự đi vào cuộc sống người dân, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi và kịp thời, giúp người dân có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh; xây mới, sửa chữa nhà ở; giải quyết được việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn.

Hình: Hộ vay vốn từ ngân hàng CSXH nuôi cá bớp thương phẩm
Từ 2024 đến 2025, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ cho gần 50 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; hỗ trợ cho gần 1.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, giảm gánh nặng về chi phí cho hộ gia đình; tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống; giúp cho các hộ gia đình nông thôn xây dựng hơn 300 công trình nước sạch và vệ sinh, nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Đặc biệt, vốn tín dụng chính sách có vai trò quan trọng và góp phần đáng kể vào giảm tỷ lệ hộ nghèo trong từng giai đoạn.
Tín dụng chính sách xã hội mang đậm tính nhân văn, hỗ trợ vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác với lãi suất ưu đãi, nhiều chính sách được ban hành như Nghị quyết 11/NQ-CP, ngày 30/11/2022 của Chính phủ đã hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp vay vốn để khắc phục hậu quả sau đại dịch COVID, hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Hoạt động tín dụng Ngân hàng chính sách xã hội huyện Vạn Ninh
Ngoài ra, thực hiện Quyết định22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, tỉnh cũng tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận với vốn vay ưu đãi để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống.
Hội Nông dân thị trấn Vạn Giã – đơn vị nhận uỷ thác đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, nhận thức rõ vai trò của tín dụng chính sách xã hội, chủ động và tích cực tuyên truyền, lồng ghép tập huấn khuyến nông, khuyến khích các hộ nuôi trồng thủy sản từ lồng bè gỗ sang lồng nhựa nổi HDPE với các ưu điểm: độ nổi tốt, khả năng chịu lực cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để tín dụng chính sách xã hội thật sự phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống, các cấp uỷ, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2021 – 2030; rà soát, bổ sung vào kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện phù hợp với thực tiễn từng đơn vị, địa phương.Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong phát triển kinh tế xã hội gắn với công tác giảm nghèo.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý nguồn vốn thông qua uỷ thác qua các tổ chức chính trị - xã hội. Nâng cao năng lực quản trị và công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, hoạt động nhận uỷ thác của Hội Nông dân thị trấn Vạn Giã và tình hình sử dụng vốn của người vay; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan, tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vạn Ninh triển khai có hiệu quả nguồn vốn cho vay tín dụng chính sách xã hội.
Phát huy vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc nhận nguồn vốn uỷ thác của tỉnh để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng; phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
TH: Nguyên Hữu