Đi về hướng nam dọc theo bờ biển đường Trần Hưng Đạo thị trấn Vạn Giã, bên phải dọc theo hướng đường Hà Huy Tập ta thấy ngôi chùa Lương Hải, chùa được xây dựng trên 100 năm với những kiến trúc nghệ thuật độc đáo bên trong khuôn viên chùa đang thờ mộ tổng trấn Trần Đường nhà yêu nước chống thực dân pháp xâm lượt. Tổng trấn Trần Đường sinh năm 1839 tại xã Vạn Lương huyện Quảng Phước, nay là Vạn Ninh, ông làm quan vào cuối triều Tự Đức. Khi pháp đánh phá miền bắc (1873 – 1882) Ông liên hiệp với nhóm Cần Vương ở Khánh Hòa để chống pháp. Tôn Thất Thuyết biết tiếng ông, rất khen ngợi phong ông làm Tổng Trấn Vạn Ninh cùng với Trịnh Phong lấy địa điểm Dốc Thị (thôn Xuân Tự xã Vạn Hưng), phía Nam quận lị Vạn Ninh 5 cây số, trên đường Quốc lộ 1, ông trấn đóng tại đây để chống Pháp từ Nha Trang lấn chiếm ra.
Năm 1884, giặc pháp tấn công Mạnh, Vạn Ninh thất thủ, ông rút lui, cầm cự được ít lâu, thì sa vào tay giặc. Ngày 1/8/1885 (10/6 năm Ất Dậu), ông bị chém tại Nha Trang, hưởng dương 46 tuổi.
Theo dân gian còn truyền lại rằng bọn pháp vào làng bắt bớ thân nhân ông, tàn phá nhà cửa của dân vì thế ông thấy làm thương xót và tự ra nộp mình. Để đồng đội khỏi bị liên lụy, quân pháp đem lời dụ dỗ, phong tặng quyền cao chức trọng cho ông nhưng ông vẫn một mực từ chối, thà chết chứ không quyết đầu hàng giặc, Quân pháp bèn chặt đầu ông đem bêu trước chợ Hiền Lương trong 3 ngày để thị uy dân chúng. Ngày nay trong khuôn viên chùa Lương Hải có hai ngôi mộ nằm song song sánh đôi bên nhau trên một diện tích 64m2, cân đối, mỗi bên rộng 8m. Nền mộ được lát gạch bát tràng. Giải thích về hai ngôi mộ này, có người nói rằng là mộ cụ bà, cũng có người bảo đó là thủ cấp của ông sau khi bị pháp chém, đem về chôn sau.
Trích tập: Vạn Ninh đất và người